Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017


     ĐỨC KITÔ VỠ TRÊN ĐỒI KHỔ NẠN ĐAN VIỆN
THIÊN AN:  MỘT GIÁO HỘI ĐAU KHỔ VÀ HIỆP NHẤT
#GNsP - Hình ảnh người cha đứng đầu Dòng Biển Đức trên thế giới- cha Notker Wolf, Thống Phụ, và cha Luigi Tiana, Tổng Thư ký Đan Hội Subiacô - viếng thăm và cầu nguyện trước tượng Chúa Chịu Nạn bị đập vỡ, nằm trên đồi Đan viện Thiên An, Huế, sẽ là hình ảnh ghi sâu cho lòng Giáo hội.
Giáo hội được ví như Thân Mình Chúa Kitô mà mỗi chi thể chia sẻ sự sống của nhau. Nếu một chi thể đau thì cả thân mình đều đau. Nỗi đau của Đan Viện Thiên An hứng chịu dưới bàn tay tàn độc của nhà cầm quyền cộng sản thời gian qua lại là cơ hội đánh thức sự hiệp nhất trong Giáo hội nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Rất nhiều cá nhân và đoàn thể, từ giám mục, linh mục, các dòng tu đến các hội đoàn giáo dân đã hành hương kính viếng tượng Chúa Chịu Nạn nằm chơ vơ trên đồi thông với hình hài vỡ vụn, cũng như chia sẻ nỗi đau cùng các đan sĩ Đan viện Thiên An.
Và hình ảnh vị đứng đầu trong Dòng Biển Đức thuộc Đan Hội Subiacô hôm ngày 10.08, trầm tư cầu nguyện trước Tượng Chúa ấy diễn tả sinh động hơn bao giờ hết sự hiệp nhất, đồng thân đồng phận, về hình ảnh Giáo hội Chúa Kitô, một Giáo hội đau khổ đi trong lòng lịch sử nhân loại. Và càng ý nghĩa hơn khi hôm đó lại trùng ngày kính thánh Lorensô, vị Phó tế tử đạo vào thời kỳ đầu của Giáo hội.
Từ ngày máu thánh Lorensô đổ ra vào năm 258, để bảo vệ cho Giáo hội, bảo vệ tài sản của Giáo hội chính là những người nghèo và đức tin của họ, giòng máu ấy vẫn luôn luân chuyển khắp châu thân của các con cái mình. Nên nỗi đau của Đan viện Thiên An không phải là nỗi đau riêng của một Đan Viện mà là nỗi đau của Toàn Dòng, của 20 Đan Hội trên toàn thế giới.
Cần sơ lược cơ cấu của Dòng Biển Đức để thấy sự chặt chẽ và hiệp nhất trong Toàn Dòng. Hiện nay Dòng Biển Đức có 20 Đan Hội hiện diện trên khắp năm Châu. Mỗi một Đan Hội lại có nhiều Tỉnh Dòng, và mỗi Tỉnh Dòng lại có nhiều Đan Viện. Đan viện Thiên An thuộc Tỉnh Dòng Biển Đức Việt Nam; và Tỉnh Dòng Biển Đức Việt Nam thuộc Đan Hội Subiacô, Ý. Bề trên Tổng quyền của Dòng được gọi là Thống Phụ; đứng đầu Đan Hội gọi là Đan Phụ Chủ tịch; đứng đầu Tỉnh Dòng gọi là Tỉnh Phụ và đứng đầu Đan Viện gọi là Đan Phụ.
Danh xưng “Subiacô” chính là địa danh của một hang động mà Thánh Tổ lập Dòng, thánh Benedict (Biển Đức) đã đến chọn đời sống ẩn cư tại đó. Thánh nhân sinh khoảng năm 480 tại Ý. Vốn là con của một gia đình trung lưu. Khi đang là sinh viên theo học tại Rôma, ngài đã sớm trốn khỏi nơi xa hoa tráng lệ, để rút lui vào đồi núi sống đời cô tịch. Ngài đến ẩn tu tại Enfidc, sau đó đến sống hoàn toàn biệt cư trong một hang động ở Subiacô suốt 3 năm, chỉ nhờ một đan sĩ tên là Romanô thỉnh thoảng đem đến cho ngài ít lương thực để sống. Sau 3 năm, các mục đồng tìm thấy ngài, rồi dần dần "hữu xạ tự nhiên hương" nhiều người đã xin ngài hướng dẫn thiêng liêng, một số xin ở lại thọ giáo. Về sau số người đến tu quá đông, ngài đã lập 12 đan viện nhỏ theo một quần thể bên cạnh nhau tại vùng đồi Subiacô.
Vào khoảng năm 529, ngài giao các Đan viện ở Subiacô cho một số đồ đệ, rồi ngài cùng một số môn đệ khác tiến về miền Nam cách Rôma 60 cây số lên trên đỉnh núi Monte Cassinô lập một đan viện, và tại đây ngài đã soạn thảo bản Qui Luật mang tên ngài. Bản qui luật này sau đó được Đức Giáo Hoàng Grégôriô Cả phổ biến, nó nhanh chóng được nhìn nhận như là "Cách diễn tả tuyệt tác và thực tiễn nhất sự khôn ngoan cổ truyền của đời sống viện tu", bởi vì Qui Luật của ngài mang tính Tin Mừng.
Hôm ngày 10.08.2017 có lẽ là một ngày không thể quên của cha Antôn Nguyễn Văn Đức, Bề trên Đan viện Thiên An vì đã được Đức Thống Phụ đến chia sẻ nỗi đau cùng Đan Viện. Thời gian qua, cũng đã có nhiều đấng bậc trong Giáo hội Việt Nam đã đến Thiên An chia sẻ nỗi đau cùng cha cũng như của toàn Đan Viện, nhưng sự hiện diện của chính Đức Thống Phụ hôm nay sẽ giúp cha càng xác tín hơn sự hiệp nhất sâu xa trong Giáo Hội là Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một Chúa Kitô đã chấp nhập hiến mình trên thập giá, chịu sự sỉ nhục của con người nhưng vẫn nói lời tha thứ và ban ơn cứu độ cho họ. Và hôm nay Chúa Kitô vẫn chịu chấp nhận đập vỡ trên đồi thông để nói cho con người biết rằng, con đường của Giáo hội đi là con đường của khiêm hạ, chấp nhận hy sinh, nên như hạt giống vùi trong lòng đất để chết đi, hầu trổ sinh những bông hạt dồi dào.


Vũ Hoàng Trương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét